Có một sự thật mà Oanh nghĩ là cần phải nói cho các chị biết đó là mỹ phẩm thật sự rất khó để thẩm thấu qua da 100%. Thật sự là rất khó!
Cho đến thời điểm hiện tại thì việc cố gắng làm cách nào đó đưa thật nhiều hoạt chất có trong mỹ phẩm đi sâu vào bên trong da mà không phải tác động đến hàng rào bảo vệ của da, thì vẫn còn là một thách thức rất lớn đối với nghành công nghiệp mỹ phẩm.
Hàng rào bảo vệ da là gì?
Xem xong video thì các chị cũng phần nào hình dung được về lớp hàng rào bảo vệ da mà Oanh nói tới rồi phải không?
Da chúng ta rất đặc biệt và nó đủ “thông minh” để nhận biết cái gì không thuộc về cơ thể. Khi chúng ta bôi mỹ phẩm trong “điều kiện thông thường” thì thưc chất chỉ có một số ít hoạt chất may mắn len lõi qua được lớp bảo vệ này mà vào được trong da.
Còn hầu hết số mỹ phẩm mà chúng ta bôi lên da chỉ “vui vẻ” loanh quanh bên ngoài da của chúng ta mà thôi. Đặc biệt là đối với những làn da khoẻ mạnh, thì lớp màng bảo vệ càng vững chắc hơn, mỹ phẩm càng khó thẩm thấu hơn.
Chính vì vậy mà các chị sẽ thấy là những người có da khoẻ thường ít cảm nhận được độ hiệu quả của mỹ phẩm hơn là những người da đang gặp vấn đề.
Ngoài ra thì đâu phải tự nhiên mà các chuyên gia làm đẹp họ lại khuyên các chị là nên thoa kem dưỡng sau khi tắm đâu, có lý do hết đấy các chị.
Bởi vì sau khi tắm, da chúng ta ngậm nước, các tế bào sừng sẽ trương nở ra và tạo ra nhiều khe hỡ. Lúc này khi các chị bôi kem dưỡng, thì các hoạt chất sẽ dễ dàng mà đi vào sâu trong da hơn.
Vậy nếu mỹ phẩm khó thấm vào da như vậy thì sao người ta không nghiên cứu ra các phương pháp khác?
Oh có chứ!
Thực chất thì để đưa 1 hoạt chất nào đó vào da chúng ta có đến 3 con đường:
- Đường bôi – Mỹ phẩm bôi ngoài.
- Đường uống – Các viên uống bổ sung.
- Đường tiêm – Đưa trực tiếp hoạt chất vào máu.
Lấy ví dụ về các phương pháp làm trắng da các chị sẽ thấy. Sẽ có kem trắng da, viên uống trắng da và truyền trắng.
Nhưng các chị cần phải hiểu, dù ở bất kỳ phương pháp nào thì cũng đều có những rào cản giới hạn của nó cả. Và trong phạm vi chủ đề này hôm nay thì Oanh xin phép là sẽ không bàn tới những rào cản của đường uống và đường tiêm mà chỉ tập trung vào đường bôi ngoài thôi nhé.
#1. Những giải pháp hiện hành.
Trong những năm qua thì các nhà khoa học cũng đã cố gắng hết sức và cũng đã nghiên cứu ra rất nhiều phương pháp để giúp đưa hoạt chất vào sâu trong da qua đường mỹ phẩm bôi ngoài như:
- Microneedling.
- Làm ẩm bề mặt.
- Sóng âm.
- Điện chuyển ion.
- Mesotherapy.
- Các liệu pháp laser.
- Lyposome
- Các chất tiêu sừng.
Và trong tương lai thì Oanh tin là sẽ còn rất nhiều phương pháp mới, lúc đó Oanh sẽ update tiếp vào bài viết này cho các chị. Vì thế các chị nhớ lưu trữ bài viết này lại hoặc share lên facebook của mình để sau này dễ tìm lại nghen.
[Microneedling] hay còn tên gọi khác ở Việt Nam là “lăn kim”. Phương pháp lăn kim này thực chất đã xuất hiện từ rất lâu rồi, và sở dĩ người ta gọi là lăn kim bởi vì dụng cụ để thực hiện phương pháp này là 1 đầu lăn được gắn rất nhiều kim trên đó.
Nhưng ngày nay với nhiều cải tiến thì người ta đã không còn dùng con lăn nữa mà chuyển sang dùng các dạng kim ấn, hoặc phi kim để phần nào đó hạn chế tối đa những tổn thương cho da nhưng vẫn giữ được nhiệm vụ là đưa hoạt chất xuyên qua lớp màng bảo vệ.
Các chị có thể xem một video minh hoạ về sự cải tiến này tại video dưới đây:
Phương pháp lăn kim này sẽ đưa hoạt chất vào sâu trong da bằng cách tạo ra những lỗ thủng li ti xuyên qua lớp màng bảo vệ để hoạt chất có thể thẩm thấu qua da một cách dễ dàng hơn.
Ngoài ra thì phương pháp lăn kim không phải chỉ có một nhiệm vụ duy nhất đó là đưa mỹ phẩm thấm qua da mà nó còn có một công dụng khác ví dụ như tạo ra các tổn thương vi điểm, lành tính để kích hoạt hệ thống tái tạo của da, giúp tăng sinh collage và elastin.
Và dĩ nhiên là trong giới hạn của tài liệu này Oanh chỉ nói tới cách mà phương pháp lăn kim giúp mang dưỡng chất vào sâu trong da mà thôi.
Còn các tài liệu khác về lăn kim như:
- Kỹ thuật lăn kim.
- Giới hạn của phương pháp lăn kim.
- Những lưu ý trước và sau lăn kim.
- Độ dài của kim quyết định điều gì?
- Lăn kim giúp giải quyết những vấn đề da nào?
- Vvv….
Thì Oanh sẽ update trong một tài liệu khác đầy đủ hơn cho các chị nhé.
[Làm ẩm bề mặt] Phương pháp này Oanh đã có nói sơ sơ trong một ví dụ ở mục trên rồi đó. Đó là khi da chúng ta ngậm nước thì các tế bào sừng sẽ trương nở ra và tạo ra các khe hở để hoạt chất có thể đi qua và thấm sâu vào da hơn.
Phương pháp này cũng là cơ sở khoa học cho các loại mặt nạ dưỡng da, các chị sẽ thấy là miếng cotton được ngâm trong các dưỡng chất.
Và khi chúng ta đắp lên mặt thì chính miếng cotton này sẽ có vai trò làm ẩm bề mặt da liên tục, vào tạo ra một môi trường hydrat hoá để các dưỡng chất dễ dàng thẩm thấu sâu vào trong.
Cho nên các chị sẽ thấy là sau khi đắp mặt nạ da các chị lúc nào cũng căng tràn sức sống hơn so với việc bôi mỹ phẩm đơn thuần.
[Liệu pháp ánh sáng] là phương pháp sử dụng ánh sáng “không chứa tia UV” để giúp tăng tuần hoàn máu, làm giảm độ nhớt và gia tăng khả năng hấp thụ hoạt chất vào trong da bằng cách tạo ra nhiệt độ nhẹ nhàng trên làn da, kết hợp với các bước sóng khác nhau.
Liệu pháp ánh sáng được ứng dụng trong rất nhiều liệu trình trị liệu chuyên nghiêp với nhiều công dụng khác nhau.
Những màu sắc khác nhau của ánh sáng sẽ cho ra những tác động khác nhau trên làn da, ví dụ như ánh sáng đỏ với bước sóng từ 630nm – 10nm sẽ có tác dụng kích thích nguyên bào sợi tăng sinh collagen, chống nhăn da, phẳng da và làm đều màu da sau phẫu thuật.
Trong khi đó với ánh sáng màu xanh có bước sóng 415nm – 10nm thì lại có khả năng tiêu diệt khuẩn mụn, làm dịu da và chống kích ứng.
[Siêu mài mòn] là một phương pháp sử dụng công nghệ phun cát với áp lực cao để làm sạch bề mặt da “loại bỏ da chết”. Cát được phun là “Corundum” một vật liệu siêu cứng và nóng chảy ở nhiệt độ khoảng 2000C.
Phương pháp này có thể làm tăng khả năng hấp thụ hoạt chất lên tới 50% tuỳ theo từng cá thể. Các chị có thể tham khảo video bên dưới đây để biết một liệu trình mài da diễn ra như thế nào.
[Siêu âm] là một công nghệ được ứng dụng rộng rãi trong rất nhiều lĩnh vực chứ không đơn thuần chỉ là trong nghành công nghiệp làm đẹp. Cho nên ở đây Oanh sẽ nói một cách ngắn gọn nhất để các chị hiểu cách mà công nghệ sóng âm giúp đưa hoạt chất trong mỹ phẩm thẩm thấu sâu vào trong da.
Hiểu nôm na thì các chị cứ biết là khi sóng siêu âm này tác động lên da, nó sẽ làm thay đổi áp xuất và tăng tính thấm trên màng tế bào. Và khi đó nó sẽ giúp tăng cường sự vận chuyển của những hoạt chất qua màng tế bào trở nên dễ dàng hơn.
Nếu các chị để ý các chị sẽ thấy trên thị trường sẽ có những cái thiết bị gọi là “máy dưỡng da cầm tay” thì thường các thiết bị này sẽ ứng dụng công nghệ sóng siêu âm này để đẩy hoạt chất đi sâu hơn vào trong da.
Cho nên các chị sẽ thấy là mặc dù gọi là máy dưỡng da nhưng mà các chị vẫn phải bôi mỹ phẩm trước, rồi sau đó mới dùng máy, bởi vì máy nó chỉ có nhiệm vụ duy nhất đó là cố gắng đẩy hoạt chất trong mỹ phẩm mà các chị đã bôi vào sâu trong da mà thôi.
Và dĩ nhiên là để bán được nhiều hàng và cạnh tranh trên thị trường thì một chiếc máy dưỡng da có thể mang trong mình 2 3 công nghệ khác nữa chứ không chỉ riêng công nghệ sóng âm.
Ví dụ như một chiếc máy dưỡng da từ Nhật này.
[Điện chuyển ion] Cũng tương tự như công nghệ sóng siêu âm “sử dụng các bước sóng” thì phương pháp điện chuyển ion chúng ta sẽ sử dụng một cái điện trường để đẩy những cái hoạt chất có khả năng phân cực di chuyển theo chiều mà chúng ta mong muốn.
P.s: Những hoạt chất có khả năng phân cực là những hoạt chất có khả năng phân ly thành ion dương và ion âm
Nếu so với phương pháp lăn kim thì phương pháp điện chuyển ion này sẽ tương đối là “lành tính” hơn bởi vì nó không làm thay đổi cấu trúc tầng biểu và không làm tổn thương da.
Nhưng như Oanh đã nói, những tổn thương vi điểm lành tính mà phương pháp lăn kim tạo ra không chỉ giúp mỹ phẩm thẩm thấu sâu hơn vào da mà nó còn một chức năng kích hoạt hệ thống tái tạo da.
Cho nên những hi sinh này là rất đáng! Ngoại trừ một trường hợp là các chị không thích cái cảm giác kim châm ầm ầm lên mặt giống Oanh hihi.
Điểm yếu của phương pháp điện chuyển ion là các chị sẽ có cảm giác đau rát nếu như người thực hiện phương pháp điện chuyển ion cho các chị họ sử dụng cường độ dòng điện không phù hợp.
Và quan trọng nhất là những hoạt chất được sử dụng như Oanh đã nói phải là những hoạt chất có khả năng phân ly thì mới được.
Còn làm cách nào để biết được là hoạt chất nào là hoạt chất có khả năng phân ly thì Oanh nghĩ các chị không cần quan tâm đâu! Bởi vì ở các cơ sở thẫm mỹ khi họ sử dụng phương pháp điện chuyển ion cho các chị thì các hoạt chất mà họ sử dụng chắc chắn đã là những hoạt chất có khả năng phân ly rồi.
P.s: Mình chỉ là người xài mỹ phẩm thôi chứ không phải là người sản xuất cho nên biết nhiều quá cũng mệt người lắm các chị à!
[Mesotherapy] cơ bản là tên gọi chung của những phương pháp giúp tăng khả năng thẩm thẩu của mỹ phẩm qua da. Nếu có không sử dụng kim thì nó sẽ là phương pháp điện chuyển ion hay điện di, còn nếu có kim thì có thể nó là phương pháp lăn kim chẳng hạn.
Ngoài ra thì còn một phương pháp nữa cũng được gọi là Mesotherapy đó là tiêm trực tiếp hoạt chất vào da. Oanh có một video ví dụ dươi đây, các chị có thể xem qua để hiểu thêm nhé.
Cơ chế của phương pháp này nó rõ ràng quá rồi cho nên thôi Oanh không giải thích nữa mà tiếp tục luôn nhé.
P.s: Lưu ý các chị đây là cơ bản nhất để các chị hiểu cơ chế thôi, chứ tài liệu về Mesotherapy nó tương đối nhiều và phức tạp. Cho nên trước khi thực hiện bất cứ tiêm chích gì vào da thì các chị cần nên tư vấn kỹ càng từ phía bác sĩ chuyên nghành!
Bởi vì không phải muốn chích cái gì vào mặt là chích đâu.
[Laser] ứng dụng của laser trong các phương pháp làm đẹp và giải quyết các vấn đề về da thì nhiều vô kể. Nhưng trong tài liệu này thì chúng ta chỉ bàn đến việc ứng dụng laser trong việc làm tăng sự thẩm thấu của mỹ phẩm thôi.
Nếu nói về cơ chế sử dụng laser để tăng tính thẩm thấu của mỹ phẩm thì laser không khác gì với phương pháp lăn kim cả!
Cả 2 phương pháp đều tạo ra những tổn thương vi điểm lành tính trên bề mặt da của chúng ta để từ đó các hoạt chất trong mỹ phẩm có thể đi xuyên qua lớp hàng rào bảo vệ mà đi sâu vào trong da thông qua những tổn thương này.
Hoạ may nếu có khác thì chỉ khác ở chổ là các tổn thương do laser gây ra nó sẽ được sắp xếp một cách trật tự hơn so với lăn kim mà thôi. Còn lại thì y chang!
Oanh có một video ví dụ về ứng dụng laser đây:
[Liposome] các chị cứ hình dung lớp màng bảo vệ da của chúng ta giống như người gác cổng vậy đó, những chất nào chúng nhận biết được “quen mặt” thì chúng sẽ cho qua. Còn những chất nào không nhận biết được “không quen” thì chúng sẽ khó dễ ngăn cản lại bên ngoài.
Thì công nghệ Liposome sẽ giúp cho những chất “không quen” này ngụỵ trang thành những chất “quen mặt” để đánh lừa những người gác cổng “lớp màng bảo vệ” cho qua.
Các chị có thể xem qua một ví dụ dưới đây:
[Chất tiêu sừng] cơ chết hoạt động của phương pháp này là chúng ta sử dụng loại Acid thuộc nhóm Acid hữu cơ như là:
AHA:
- Acid Citric
- Acid Lactic
- Acid Glycolic
BHA:
- Acid Salicylic
Nếu sử dụng những chất này ở nồng độ thấp người ta sẽ gọi đó là phương pháp “tẩy da chết” thông thường. Còn ngược lại nếu sử dụng những chất này ở nồng độ cao hơn thì người ta gọi là phương pháp “thay da sinh học”.
Nhưng cho dù sử dụng ở nồng độ nào đi nữa thì mục đích cuối cùng của phương pháp này là làm suy yếu đi lớp hàng rào bảo vệ da “lớp sừng” để cho mỹ phẩm có thể thẩm thấu, đi vào sâu bên trong được tốt hơn.
P.s: Một điều đáng chú ý là các hãng mỹ phẩm phương tây họ thường cho luôn những loại acid hữu cơ này vào sản phẩm mỹ phẩm của mình với mục đích tăng cường hiệu quả thẩm thấu cho sản phẩm.
Cho nên các chị hãy kiểm tra thành phần của những loại mỹ phẩm mà mình đang sử dụng xem bên trong nó có chứa các loại acid hữu cơ này hay không?
Nếu CÓ thì các chị có thể loại bỏ bớt bước “tẩy da chết định kỳ” trong skincare hằng ngày của mình để tránh vướng vào lỗi “tẩy da chết quá đà” nhé.
#2. Tổng kết.
Giờ thì các chị thấy rồi đó! Như Oanh đã nói với các chị ngay từ đầu, việc đưa mỹ phẩm thẩm thấu vào trong da một cách nhẹ nhàng thì vẫn còn là cả một “bầu trời thách thức”.
Bởi vì ở mỗi phương pháp đều có ưu và nhược điểm đi kèm của nó cả! Cho nên trước khi sử dụng bất cứ phương pháp nào, cái quan trọng nhất là các chị cần làm đó là tìm hiểu thật kỹ về phương pháp đó cũng như là sự tư vấn rõ ràng của những chuyên viên / bác sĩ, người sẽ thực hiện phương pháp đó cho các chị.
Thật ra còn một cách nữa có thể giúp các chị đưa thật nhiều hoạt chất vào sâu bên trong da mà hầu như không hề tác động đến lớp màng bảo vệ của da đó là phương pháp “cung cấp dưỡng chất từ bên trong”.
Nhưng đó sẽ là đề tài cho những tài liệu sau! Còn tài liệu ngày hôm nay chúng ta đi đến đây thôi các chị yêu nhé.